Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố cảng Quy Nhơn nằm cách thủ đô Hà Nội 1.065 km về phía bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 649 km về phía nam.
Vị trí địa lý
Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam.
- Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi
- Phía Nam giáp tỉnh Phú Yên
- Phía Tây giáp tỉnh Gia Lai
- Phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km
Bình Định được xem là một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng nam Lào.
Địa hình
- Vùng núi
- Vùng đồi
- Vùng đồng bằng
- Vùng ven biển
- Cồn cát biến động.
- Hải đảo
Khí hậu
Khí hậu Bình Định có tính chất nhiệt đới ẩm, gió mùa. Do sự phức tạp của địa hình nên gió mùa khi vào đất liền đã thay đổi hướng và cường độ khá nhiều.
- Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12. Riêng đối với khu vực miền núi có thêm một mùa mưa phụ tháng 5 - 8 do ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên. Tần suất xuất hiện bão lớn nhất tháng 9 - 11.
- Mùa khô kéo dài tháng 1 – 8 và cũng là thời điểm du lịch lý tưởng của năm.
Văn hóa
Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chăm pa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đây cũng là nơi xuất phát phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Bình Định còn nổi tiếng bởi truyền thống thượng võ và có nền văn hoá đa dạng phong phú với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, hò bá trạo của cư dân vùng biển... cùng với các lễ hội như: lễ hội Đống Đa, lễ hội cầu ngư, lễ hội của các dân tộc miền núi...
Những đặc sản hấp dẫn của Bình Định
Rượu Bàu Đá
Ngày xửa ngày xưa, men theo hai bờ sông Kôn từ thượng nguồn xuôi về hạ bạn, có nhiều làng rượu ngon nổi tiếng, nhất là các làng: Vĩnh Phúc, Vĩnh Cửu, Tiên Thuận, Đồng Hào, Phú Lạc, Phú Mỹ, Vĩnh Lộc, An Vinh... Thuộc Tây Sơn hạ đạo, mà dân gian thường gọi là rượu Tây Sơn.
Còn rượu Bàu Đá cái “Thương hiệu” của rượu Bình Định nổi danh trong Nam, ngoài Bắc ngày nay cũng chính là dòng rượu Tây Sơn,
Rượu Bàu Đá thường được dùng trong những ngày giỗ chạp, lễ nghi, hội hè, đình đám, nhất là những ngày Tết cổ truyền.
Con cháu nội ngoại về mừng tuổi ông, bà có chén rượu Bàu Đá đặt lên bàn thờ thắp nén hương thành kính ta thấy ấm cúng thiêng liêng... “Rượu Bàu Đá” nét văn hóa đặc trưng của miền đất võ Tây Sơn, Bình Định.
Cá chua nước lợ Đề Gi
Không ai biết cá chua có từ bao giờ, chỉ biết nó xuất hiện rất nhiều ở đầm Đề Gi huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Loài cá chủ yếu sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên.
Ở Bình Định, cá chua có quanh năm, nhưng chất lượng cá ngon nhất và độ mùa xuân - hạ, và độ tuổi chừng 4 - 5 tháng.
Nhiều nhà hàng ở Quy Nhơn đều có đặc sản cá chua, nhưng thực khách nơi xa đến không dễ gì biết mà gọi nếu chủ quán... quên giới thiệu hoặc không có “thổ địa” đi cùng.
Cá chua được chế biến nhiều món: cá chua hấp, cá chua nấu lá giang, cá chua nấu mẳn (chỉ nấu với nước và hành, không phụ thêm gia vị), nhưng thú vị nhất là nướng lá chuối ăn kèm muối ớt tươi.
Món nướng thì ít nơi làm vì độ công phu của nó, nhưng nếu có một người quen nuôi cá chua, cuối tuần ra bờ hồ câu vài con, đốt than lên nướng và thưởng thức, hầu như ai cũng sẽ phải thốt lên: “Chu cha, thiệt là ngon!”.
Bánh tráng nước dừa Tam Quan
Một loại bánh đặc biệt dày và thơm ngon cho nên người làm cũng phải bỏ ra nhiều công sức. Chiếc bánh được làm ra phải có mùi thơm đậm đà từ gạo, mè, hành, tiêu và dừa, phải mặn mà hơn so với các loại bánh thông thường,
Bánh tráng nước dừa tam quan là bánh to hơn và được tráng làm lớp dày. Bánh không ăn ngay mà phải nướng.
Vì bánh dày nên khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và phải nướng bằng lửa than hồng thì bánh mới ngon, những chiếc bánh mới giòn giòn, thơm mùi hành, tiêu, mè, ngòn ngọt của dừa làm kích thích vị giác khiến mọi người cứ muốn ăn mãi không thôi.
Bánh tráng nước dừa có thể ăn không hoặc bạn có thể chấm với xì dầu.
Bún Song Thằn và bánh hỏi
Bên cạnh truyền thống thượng võ, còn có một loại đặc sản góp phần đưa địa danh An Thái bay xa, đó là bún Song thằn.
Sở dĩ có tên gọi "song thằn" vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Nhiều người đọc trại thành bún "song thần".
Bún nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao. Bún Song thằn làm bằng đậu xanh, trung bình 5kg đậu sau nhiều lần xay, đãi, lắng lọc thì được 1,2 kg bột và làm thành 1kg bún, bởi vậy giá thành rất cao nên không thông dụng.
Bây giờ bún Song thằn trở thành một loại đặc sản quý hiếm, là một loại quà biếu có giá trị thuộc hàng "món ngon vật lạ". Tiếc rằng nghề bún Song thằn đang bị mai một.
Nem chả Chợ Huyện
Món ăn đặc sản trứ danh và là một biểu tượng cho nền văn hóa ẩm thực của miền đất võ Bình Định. Với hương vị chua chua ngọt ngọt, đặc trưng và rất riêng biệt.
Đây là món ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày cho đến các dịp cưới hỏi, giỗ chạp của người dân Bình Định. Bên cạnh đó, chiếc nem còn là một thú vui ẩm thực khi ăn kèm với những đêm hát tuồng thâu đêm suốt sáng.
Các điểm Tham Quan Du Lịch
Thành Hoàng Đế
Thành Hoàng Đế được xây dựng trên nền cũ của kinh đô Đồ Bàn xưa, qua hơn 300 năm bỏ hoang nên các dấu tích còn lại của thành Đồ Bàn không còn nhiều, chỉ còn sót lại đôi sư tử đá của các vua Chăm Pa mà Nguyễn Nhạc tiếp tục sử dụng trang điểm cho tử cấm thành.
Ngày nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn, Bình Định. Nằm cách thành phố Quy Nhơn hiện nay khoảng 20km theo hướng tây bắc, thành nằm trên một vùng gò đồi so với xung quanh là đồng bằng
Về cấu trúc thành Hoàng Đế do Nguyễn Nhạc xây dựng gồm có 3 lớp: vòng ngoài là thành ngoại có chu vi khoảng 7km, tiếp đó là vòng trong gọi là thành nội có chu vi khoảng 1,6km và trong cùng là tử cấm thành có chu vi khoảng 700m, tường thành cao khoảng 3m.
Thành Thị Nại
Thành Thị Nại còn có tên gọi khác là thành Bình Lâm, Sri Banoy là một thành cổ nằm ở bên bờ Đầm Thị Nại, đóng vai trò là tiền đồn trấn giữ cho kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chăm Pa.
Thành thuộc Bình Lâm, Bình Nga Đông, Bình Nga Tây và Bình Trung, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Di tích còn lại cho thấy thành được xây dựng trên một nồi đất cao nằm kẹp giữa hai phân lưu phía hạ nguồn của sông Côn là sông Cầu Đun và sông Gò Tháp, phía bắc là sông Đập Đá.
Thành có cấu trúc hình chữ nhật, chiều dài chạy theo hướng Đông-Tây dài được 1.300m, chiều rộng hơn 600m. Phía bắc là đoạn sông Gò Tháp làm thành hào tự nhiên, vết tích còn lại là một dải gạch đổ dài trên 200m, trên đó còn một đoạn tường khá nguyên vẹn. Tường thành phía Nam chạy dọc theo sông Cầu Đun. Dấu vết còn lại là một dải đất cao có bề mặt rộng tới 15-20m
Tháp Bình Lâm
Tháp Bình Lâm là một ngôi tháp cổ Chăm Pa tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là một ngôi tháp tương đối đặc biệt ở Bình Định, vì khác với các tháp khác nằm trên đồi thì tháp Bình Lâm nằm ngay trên đồng bằng và như hòa mình vào thiên nhiên và khu dân cư bao quanh
Tháp cao đồ sộ, khoảng 20m, tuy đã bị huỷ hoại các chi tiết phía trên khá nhiều bởi thời gian, nhưng tổng thể ngôi tháp vẫn ánh lên qua màu gạch vàng một vẻ đẹp trang nhã và thành kính Tháp có 3 tầng, bình đồ vuông, thân tháp không lùn, không nặng nề, cân đối với hai tầng phía trên. Hai tầng phía trên cũng được thu nhỏ dần một cách đều đặn
Kiến trúc đặc biệt nhất và cũng đẹp nhất ở Bình Lâm là các cửa giả nhô ra ở khoảng giữa các mặt tường của thân tháp. Thế nhưng, mặc dầu vẫn làm theo cấu trúc truyền thống, các cửa giả ở Bình Lâm lại hiện ra, dưới một bức tranh điêu khắc, như một ngôi tháp đầy kỳ ảo.
Mỗi cửa giả là một cấu trúc ba thân kế tiếp nhau nhỏ dần từ trong ra ngoài. Mỗi thân đều có hai phần: hai cột ốp bên dưới và hòm hình mũi giáo bên trên. Cả ba thân cửa cửa giả đều như mọc lên từ một nền vuông chung phía dưới được trang trí bằng các hình sư tử, hoa lá và các hình áp
Tháp Bánh Ít
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Kiến trúc tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định
Hiện ở cụm tháp Bánh Ít có tháp chính, tháp mái và tháp cổng. Đường lên cụm tháp ở phía đông mà bắt đầu là tháp cổng, đằng sau tháp cổng là các tầng, các lớp những phế tích đổ nát, chếch về hướng đông - nam có một tháp gạch lớn như tháp cổng. Tháp cổng và tháp đông - nam này là hai kiến trúc hiện còn ở vòng ngoài hay tầng ngoài cùng của khu tháp Bánh Ít
Tháp Cánh Tiên
Tháp Cánh Tiên là một trong những ngôi tháp thuộc phong cách Bình Định, hiện lên với một kiến trúc hoành tráng với những khối hình lớn gây ấn tượng từ xa: các cột ốp, những khung dọc trên mặt tường nằm giữa các cột ốp nổi lên thành những mảng lớn khoẻ khoắn, các vòm của các cửa giả vút cao vươn lên như hình những mũi giáo khổng lồ.
Các tháp trang trí góc các tầng cuộn lại thành những khối chắc nịch, những phiến đá trang trí các góc tường phía trên của các tầng hình hoa lá nhô mạnh ra như những cánh tiên.
Điều kỳ lạ nhất ở tháp Cánh Tiên là nữa phần phía ngoài của cột ốp góc tường được ốp kín bằng những phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa dây xoắn và góc các diềm mái của tháp cũng được làm bằng đá - hiện tượng độc nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm Pa
Tháp Đôi
Tháp Đôi hay còn có tên là Tháp Hưng Thạnh là khu tháp của Chăm Pa gồm có hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau hiện nằm ở phường Đống Đa,thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tháp được các chuyên gia trùng tu lại vào những năm 1990, đã trả lại cho ngôi tháp hình dáng gần như xưa. Cả hai ngôi tháp nằm trên khu đất bằng phẳng dưới chân một quả đồi và đều quay mặt về hướng đông, tuy có cùng hình dáng và cấu trúc là than hình khối vuông và mái hình tháp mặt cong những ngôi tháp phía bắc cao hơn tháp phía nam.
Cả hai ngôi tháp ở Tháp Đôi đều không phải là tháp vuông nhiều tầng truyền thống của ChămPa, mà là một cấu trúc gồm hai phần chính: khối thang vuông vức, và phần đỉnh hình tháp mặt cong.
Ngôi tháp phía bắc, toàn bộ chân tường của tháp được bó bằng những tảng đá cát lớn thể hiện một đài sen khổng lồ đỡ toàn bộ tháp, giữa các cánh sen là những hình voi, sư tử và những hình người múa.
Bộ diềm của tháp được làm bằng đá và được trang trí bằng hình các con khỉ đang múa, hình các con vật tạp chủng mình sư tử, đầu voi và những hình người ngồi có sáu và tám tay.
Bốn góc của bộ diềm mái là bốn thần điểu Garuda bằng đá khổng lồ được tạc theo mô hình và phong cách nghệ thuật Khmer thời Angkor Wat
Tháp Thủ Thiện
Tháp Thủ Thiện là một ngôi tháp cổ Chăm Pa hiện nằm tại làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Không như một số cụm tháp Chăm Pa khác, tháp Thủ Thiện là di tích chỉ có một ngôi tháp
Tháp Dương Long
Tháp Dương Long là cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Là tháp cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam
Tháp Dương Long được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chăm Pa. Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp giữa cao 24 mét, hai tháp bên cao 22 mét.
Tháp Phú Lốc
Tháp Phú Lốc còn có tên gọi là tháp Thốc Lốc, tháp Phốc Lốc, hay tháp Vàng (Tour d'Or) như những nhà nghiên cứu người Pháp đã gọi là một ngôi tháp Chăm Pa cổ hiện còn tồn tại tại làng Phú Thành, Phường Nhơn Thành, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đây là một ngôi tháp thuộc phong cách Bình Định, nhưng đồng thời phong cách kiến trúc có ảnh hưởng một phần từ kiến trúc Angkor của người Khmer
Tháp Phú Lốc được xây dựng trên một đỉnh đồi, so với mặt nước biển thì đỉnh đồi này có độ cao là 76 m. Đồi của tháp Phú Lốc cao hơn tất cả các đồi có tháp ở Bình Định, vì thế tháp Phú Lốc nổi bật lên giữa vùng đồng bằng tỉnh Bình Định như một ngọn hải đăng khổng lồ.
Ngoài các khu tháp nổi bật khắp các vùng của Bình Định, thì nơi đây còn nhiều điểm du lịch nổi tiếng, điểm tham quan tâm linh thu hút nhiều du khách như:
- Chùa Linh Phong
- Chùa Hang
- Nhà thờ Chánh tòa Quy Nhơn
- Đền thờ Đào Duy Từ
- Lăng Mai Xuân Thưởng
- Đền thờ Tăng Bạt Hổ
- Khu di tích Chi bộ Vạn Đức
Danh thắng nổi tiếng Bình Định chắc chắn sẽ làm du khách nhớ mãi vẻ đẹp phóng khoáng đất biển Bình Định hào sảng như:
- Ghềnh Ráng
- Hầm Hô
- Bãi biển Quy Hòa
- Núi Bà
- Bãi biển Nhơn Lý-Cát Tiến
- Đầm Thị Nại
- Suối khoáng nóng Hội Vân
- Hồ Núi Một
- Cù Lao Xanh
- Mũi Vi Rồng
- Cầu Thị Nại
Các thông tin về vùng đất Bình Định, món ăn ngon đặc trưng xứ sở, các điểm tháp Champa ấn tượng và cùng nhiều điểm tham quan thắng cảnh xưa và nay nổi tiếng đất Võ sẽ đưa bạn đến với không gian trải nghiệm văn hóa cổ lắng đọng và bình yên. Sau đó là những thắng cảnh nổi tiếng Bình Định để du khách thỏa sức hào mình cùng cảnh đẹp.
Lưu ý: Nội dung bài viết Cẩm nang du lịch Quy Nhơn Bình Định thuộc bản quyền của Du lịch INTOUR. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại INTOUR. (Hình ảnh sưu tầm từ website. Xin cảm ơn các bạn đã cùng chia sẻ hình ảnh cần thiết).