Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc.
- Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc
- Phía Tây giáp tỉnh Lai Châu
- Phía đông giáp tỉnh Hà Giang
- Phía Nam giáp tỉnh Yên Bái.
Danh từ "Lào Kay" đã được người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu nhưng trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là "Lao Cai". Sau tháng 11 năm 1950, đã thống nhất gọi là Lào Cai cho đến ngày nay.
Nguồn gốc tên gọi này có nhiều cách lý giải
-
Vùng đất phường Cốc Lếu ngày nay xưa kia, có một khu chợ, dần dần người ta mở mang thêm một phố chợ. Vì thế phố chợ đầu tiên này theo tiếng địa phương được gọi là Lão Nhai (老街, tức Phố Cũ). Sau này người ta mở thêm một phố chợ khác gọi là Tân Nhai (新街, Phố Mới ngày nay).
-
"Lão", hay "Lạo" là tên của một tộc người, như vậy cách thích nghĩa "Lão Nhai" là phố của người bộ tộc Lão, Lạo.
-
Tên gọi Lào Cai bắt nguồn từ tên "Lao Kaù" xuất hiện từ 1872 (tên chiếc pháo hạm của Jeans Dupuis, âm Hán-Việt là Đồ Phổ Nghĩa, theo sông Hồng tiến công ngược lên Vân Nam vào tháng 1 năm 1873).
-
Theo cố giáo sư Đào Duy Anh, từ "Lão Nhai", khi làm bản đồ, người Pháp viết "Lao Cai" thành "Lào Kay". Danh từ "Lào Kay" đã được người Pháp sử dụng trong các văn bản và con dấu còn người Việt khi đọc, biến âm theo tiếng Việt thành Lào Cai và trong giao tiếp và dân gian người ta vẫn gọi là Lao Cai.
Gợi ý dành cho bạn: Tìm hiểu về Chợ Tình Sapa
Địa hình và khí hậu
Địa hình
Sa Pa nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1500 đến 1650 mét ở sườn núi Lô Suây Tông. Đỉnh của núi này có thể nhìn thấy ở phía đông nam của Sa Pa, có độ cao 2228 mét.
Từ thị trấn nhìn xuống có thung lũng Ngòi Dum ở phía đông và thung lũng Mường Hoa ở phía tây nam.
Khí hậu
Sa Pa có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông.
-
Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C.
-
Mùa hè, thị trấn không phải chịu cái nắng gay gắt như vùng đồng bằng ven biển, khoảng 13 °C – 15 °C vào ban đêm và 20 °C – 25 °C vào ban ngày.
-
Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 °C, đôi khi có tuyết rơi.
-
Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 1.800 đến 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8.
Thị trấn Sa Pa là một trong những nơi hiếm hoi của Việt Nam có tuyết. Trong khoảng thời gian từ 1971 đến 2011, 15 lần tuyết rơi tại Sa Pa. Lần tuyết rơi mạnh nhất vào ngày 13 tháng 2 năm 1968, liên tục từ 3 giờ sáng đến 14 giờ cùng ngày, dày tới 20 cm. Bạn nên đi du lịch dịp Giáng Sinh (Noel) ở Sapa để một lần được trải nghiệm tuyết rơi tại Việt Nam nhé
Dân số
Tổng dân số Lào Cai năm 2010 là 730.420nghìn người. Về phân bố dân cư, Lào Cai có 171.456 người cư trú ở khu vực thành thị, chiếm 23,47% tổng dân số; 558.964 người cư trú ở khu vực nông thôn, chiếm 76,53%.
Dân tộc kinh chiếm 33% dân số, còn lại là các dân tộc khác như H’Mông, Tày, Nùng, Giáy…và hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống
Có thể bạn quan tâm: Những cách chống say xe hiệu quả nhất
Thông tin về dấu ấn du lịch Lào Cai
Lào Cai mảnh đất ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng cây, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, có cảnh sắc thơ mộng và hấp dẫn từ cảnh quan đất trời vùng đất phía Tây Bắc.
Cùng vào thập niên 1940, người Pháp đã quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng.
Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, toà chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường nhựa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu. Điều này làm cho thị trấn này mang nhiều dáng dấp của một thành phố Châu Âu.
Ngày nay, vùng đất Lào Cai có 25 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa.
Hội đủ hết các yếu tổ để trở thành tỉnh du lịch nổi bật. Lào Cai là điểm đến du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử nổi bật nhất định phải đến đây ít nhất một lần trong đời.
Các điểm du lịch tại Lào Cai hiện nay
Các dịch vụ du lịch của Sapa được các du khách ngoại quốc đánh giá khá tốt. Một số khách sạn ở Sapa như Violet, Royal, Victoria... được xây dựng khoảng 2004 đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước khá tốt.
Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như thác Bạc cao khoảng 200m, cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc, cổng Trời là điểm cao nhất mà đường bộ có thể đi tới để đứng ngắm đỉnh Phanxipang, rừng Trúc, động Tả Phìn, bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa.
Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Ở nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại hoa quý hiếm.
Gợi ý dành cho bạn: Bí kíp cất giấu tiền mặt để tránh mất trộm khi đi du lịch
Đỉnh Phanxipang
Sapa có đỉnh Phanxipang cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Dãy Hoàng Liên Sơn có nhiều loài gỗ quý và chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương.
Trong khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn còn có đến 136 loài chim, 56 loài thú và 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Vườn hoa Hàm rồng
Vườn hoa được xây dựng theo địa thế tự nhiên của đỉnh Hàm rồng, để tham quan vườn hoa, du khách phải leo một chặng đường dài hàng ngàn bậc đá.
Cứ cách một đoạn ngắn, cảnh trí lại trải ra trước mắt đó là vườn lan tự nhiên, vườn Châu Âu, rừng hoa đào... điểm cuối cùng là điểm cao nhất của đỉnh Hàm Rồng được bố trí như một đài quan sát, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt thu toàn bộ thị trấn Sapa vào tầm mắt của mình.
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng ở sát ngay thị trấn, bất kỳ du khách nào cũng có thể lên đó để ngắm toàn cảnh thị trấn, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói.
Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Nếu ai đã đến Thạch Lâm của Vân Nam, Trung Quốc thì Hàm Rồng cũng có thể giúp các bạn tưởng tượng là Thạch Lâm được. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
Nhà Thờ Đá Sapa
Nhà thờ đá Sapa hay còn gọi là nhà thờ cổ Sapa và nằm ở ngay thị trấn và từ thị trấn đi ngược về hướng đông bắc, trên đường đi tới động Tả Phìn lại có một tu viện được xây gần toàn như bằng đá tại một sườn đồi quang đãng, thoáng mát.
Qua tu viện đi bộ ba cây số theo hướng bắc ta đến một hang động với độ rộng có thể đủ chứa một số lượng người cỡ trung đoàn của quân đội.
Trong hang nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh.
Thung Lũng Mường Hoa
Thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng ngàn vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được những thông tin đó.
Khu chạm khắc cổ đã được xếp hạng di tích quốc gia và đang được Nhà nước ta đề nghị xếp hạng di sản thế giới.
Thác Bạc
Thác Bạc Sapa là thượng nguồn của suối Mường Hoa danh tiếng. Cái tên Thác Bạc ra đời có lẽ vì người ta có thể dễ dàng nhìn những bọt nước tại đây tung trắng xoá từ đỉnh núi Hàm Rồng, tạo nên một dải bạc óng ánh. Thác Bạc từ độ cao trên 200m những dòng nước đổ ào ào tạo thành âm thanh núi rừng và mưa xuân.
Trên đường đến thác Bạc, du khách du lịch Sapa sẽ không khỏi “ngây ngất” trước khung cảnh tuyệt mỹ của cánh rừng thông bạt ngàn, thấp thoáng xa xa là triền đồi được phủ kính sắc đỏ của loại hoa hồng dại khoe sắc bốn mùa.
Lễ hội
Tại thị trấn Sa Pa có 6 tộc người cũng cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng. Đặc trưng nổi bật của Sa Pa là lễ hội “Roóng poọc” của ngườI Giáy Tả Van vào ngày Thìn tháng giêng âm lịch.
Cùng với lễ hội Roóng poọc còn hội “Sải Sán” (đạp núi) của người Mông, lễ “Tết nhảy” của người Dao đỏ, tất cả đều diễn ra vào tháng tết hàng năm.
Chợ phiên Sapa
Chợ phiên của Sapa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ. Người dân vùng xa thường phải đi từ ngày hôm trước.
Vào tối thứ bảy, có nhiều người đi chợ cùng thức và chung vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái bản làng người H'mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, sáo, khèn... và người ta gọi đó là "chợ tình".
Vào ngày chủ nhật, tại chợ có thể mua các loại dược phẩm, lâm thổ sản quý hiếm, sản phẩm nhân tạo truyền thống của các dân tộc như hàng thổ cẩm thủ công; các món ăn dân tộc như thắng cố, thịt hun khói, cải mèo, su su, rượu ngô, rượu mầm thóc xã Thanh Kim, rượu táo mèo, rượu sán lùng; các lâm sản và dược liệu như củ hoàng liên, nấm linh chi…
Các loại trái cây và hoa đặc trưng
Sa Pa là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay ơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…đặc biệt là hoa bất tử sống mãi với thời gian…
Khí hậu Sa Pa trong lành và mát, thích hợp cho những loại rau ôn đới như bắp cải, su hào, su su, cây dược liệu quý.
Đặc biệt có mận tam hoa và mận hậu rất nổi tiếng. Những du khách có thể thưởng thức nhiều loại hoa quả vùng ôn đới, cận nhiệt đới tại nơi đây.
Du lịch Lào Cai trải nghiệm vẻ đẹp của nóc nhà Đông Dương. Nhìn ngắm cảnh quan núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành hoang sơ, quanh năm mát mẻ sẽ giúp bạn có được những giờ phút nghỉ dưỡng đúng nghĩa. Lào Cai-Sapa giấc mơ cổ tích trong tầm tay.
Lưu ý: Nội dung bài viết Cẩm nang di du lịch Sapa - Lào Cai thuộc bản quyền của Du lịch INTOUR. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại INTOUR. (Hình ảnh sưu tầm từ website. Xin cảm ơn các bạn đã cùng chia sẻ hình ảnh cần thiết).