Không biết tự bao giờ khi nhắc đến chiếc áo bà ba thì người ta lại nghĩ ngay đến nét đằm thắm, dịu dàng nhưng không kém phần duyên dáng của những cô gái vùng đất Tây Nam bộ.
Nét đẹp thanh khiết cộng với sự mộc mạc của chiếc áo bà ba như tôn lên vẻ đẹp của con gái miền Tây đầy phẩm hạnh. Thơ văn cũng dành những lời ca vang cho áo bà ba không khác nào gấm lụa:
“Dịu dàng chiếc áo bà ba
Đâu thua em mặc lụa là gấm nhung
Nhìn xem má đỏ thẹn thùng
Áo bà ba mặc hình dung trang đài”
Chiếc áo bà ba truyền thống dành cho nữ với kiểu cách đơn giản, áo không cổ, chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông.
Gợi ý dành cho bạn: Áo dài trang phục truyền thống của người Huế
Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần như bó sát thân. Áo kết hợp với chiếc quần đen hoặc trắng dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình hài vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại.
Áo ba ba của nữ trong những gia đình nông dân có màu nâu, màu xám, màu trắng...
Áo bà ba dành cho gia đình quyền quý được làm từ vải gấm, vải lụa hoặc phi bóng, trên áo đính nhiều học tiết sang trọng, quần lụa. Khi mặc thì đeo kèm trang sức vòng cổ, kiềng để tăng độ sang trọng và quyền quý của người mặc.
Còn áo bà ba dành cho nam thường là màu nâu, màu đen, cổ tròn, cổ lá bầu, có 2 túi hoặc 3 túi. Áo rộng và quần suông rộng để làm thoải mái cho người mặc.
Ngày xưa khi làm đồng mặc áo bà ba người nam còn quấn cả khăn trên đầu, ở phần lưng quần, người nữ thì choàng khăn ở cổ để thấm mồ hôi khi cày đồng.
Có thể bạn quan tâm: Cẩm nang du lịch Miền Tây mới nhất năm nay
Thời kì đầu của áo bà ba gắn liền với người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì ngày đó khai hoang mở đất, người dân nơi đây thường bận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt.
Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc hằng ngày.
Chiếc áo bà ba kiểu cách đơn giản, mộc mạc nhưng vẫn tôn lên nét đẹp thầm kín của người con gái. Áo bà ba đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho biết bao lời ca, bài hát trữ tình xưa nay đưa vào trong thơ và nhạc, chúng ta bắt gặp chiếc áo quen thuộc này trong “Chiếc áo bà ba’’ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, hay trong các bộ phim về miền tây nam bộ như Công Tử Bạc Liêu, Người đẹp Tây Đô….
Có thể bạn quan tâm: Chợ nổi cái bè Miền Tây
Trãi qua nhiều giai đoạn và thăng trầm của cuộc sống chiếc áo bà ba cùng tồn tại và phát triển, đâu đó vẫn nét đẹp mộc mạc của miền Tây.
Áo bà ba vẫn dịu dàng, quyến rũ như ngày xưa. Ngày nay nếu có dịp du lịch miền Tây chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp được những hình ảnh rất riêng của vùng sông nước. Nơi có người phụ nữ mặc áo bà ba đi trên cánh đồng, chèo xuồng trên sông.
Sự phát triển du lịch và quảng bá văn hóa cùng là quá trình áo bà ba đi vào các khu du lịch, nơi các nhân viên mặc áo bà ba bán hàng hay các điểm du lịch sinh thái vui chơi trải nghiệm hương vị miền Tây; sẽ cho bạn hóa thân thành người miền Tây trong bộ áo bà ba nâu trải nghiệm các trò chơi sống nước.
Riêng tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, mỗi khi được ướm lên trên mình chiếc áo bà ba mộc mạc đơn sơ trong một lần về miền Tây, được trải nghiệm những những thú vui tao nhã và bình dân. Thật sự cảm thấy thích thú và yêu cái nét miền Tây giản dị, đơn sơ này biết bao.
Có thể bạn quan tâm: Chợ nổi Cái Răng miền Tây
Cùng với chiếc nón lá Việt Nam, cái khăn rằn quấn cổ, chiếc áo bà ba đã kết hợp như một cách ngẫu nhiên và trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hoá của người phụ nữ Nam bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.
Áo bà ba biểu tượng tâm hồn của vùng đất Nam Bộ, là kết tinh của quê hương xứ sở, là hồn thơ Phương Nam trải qua mấy trăm năm kể từ ngày cha ông ta khai phá mảnh đất. Chiếc áo bà ba đi sâu vào âm nhạc, thơ ca và văn học dân gian một cách gần gũi, thân thương, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
- Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Du lịch INTOUR. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại INTOUR. (Hình ảnh sưu tầm từ website. Xin cảm ơn các bạn đã cùng chia sẻ hình ảnh cần thiết).