Việt Nam có 54 thành phần dân tộc. Trải qua bao thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã gắn bó, đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành độc lập tự do và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự thống nhất và đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng tộc người.
Một trong những đặc trưng chung tạo nên phẩm chất con người và văn hóa Việt Nam là lòng yêu nước, đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, gắn bó, hòa đồng với thiên nhiên, cộng đồng làng xóm và đức tính nhân hậu, vị tha của mỗi con người.
Các Nhóm Ngôn Ngữ Các Dân Tộc Việt Nam
54 dân tộc Việt Nam được xếp theo 3 ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ: Việt – Mường, Tày - Thái, Mông - Dao, Ka Đai, Tạng Miến, Nam Đảo, Hán.
Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc: Kinh, Mường, Thổ, Chứt. Đồng bào sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và đánh cá. Trong đời sống tâm linh có tục thờ cùng ông bà tổ tiên và các nghề thủ công truyền thống phát triển ở trình độ cao.
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái có 8 dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Sán Chay, Bố Y. Đồng bào cư trú tập trung ở các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái....
Các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày Thái nói ngôn ngữ Nam Á, ở nhà sàn, cấy lúa nước kết hợp với làm nương rẫy, biết lợi dụng địa hình thung lũng, sáng tạo ra chiếc cối giã gạo, con quay cùng hệ thống mương, phai, lái, lín đưa nước về ruộng.
Các nghề thủ công khá phát triển như: Rèn, dệt với các sản phẩm đẹp và tinh tế. Họ có quan niệm chung về vũ trụ, con người và những vị thần.
Bên cạnh đó, mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng, được biểu hiện thông qua trang phục, nhà cửa, tập quán ăn uống, phong tục, lối sống và nếp sống tộc người.
Nhóm ngôn ngữ Mông - Dao có 3 dân tộc: Mông, Dao, Pà Thẻn; nhóm ngôn ngữ Ka Đai có 4 dân tộc: La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo; nhóm ngôn ngữ Tạng Miến có 6 dân tộc: Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La.
Các tộc người thuộc 3 nhóm này cư trú tập trung đông ở các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu.
Làng bản của họ được xây dựng trên các triền núi cao hay lưng chừng núi. Một số các tộc người như La Chí, Cống, Si La và một vài nhóm Dao dựng làng ven các con sông, con suối. Tuỳ theo thế đất, đồng bào dựng nhà sàn, nhà đất, nhà nửa sàn nửa đất.
Nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me có 21 dân tộc: Ba Na, Brâu, Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, H’rê, Kháng, Khơ Me, Khơ Mú, Mảng, Xinh Mun, M'nông, Ơ Đê, Mạ, Rơ Măm, Tà ôi, Xơ Đăng, Xtiêng.
Đồng bào cư trú rải rác ở khu vực Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ. Đời sống kinh tế chủ yếu canh tác nương rẫy theo phương pháp chọc lỗ tra hạt.
Kiến trúc nhà rông, nhà dài Tây Nguyên, chùa của dân tộc Khơ Me; nghề thủ công đan lát và lễ hội văn hoá cộng đồng là những nét văn hoá độc đáo của cư dân Môn - Khơ Me.
Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo có 5 dân tộc: Chăm, Gia Rai, Ê Đê, Raglai, Chu Ru. Đồng bào cư trú tập trung trên các cao nguyên đất đỏ Tây Nguyên và dải đất ven biển miền Trung; Văn hóa Nam Đảo mang đậm nét mẫu hệ.
Nhóm ngôn ngữ Hán có 3 dân tộc: Hoa, Ngái, Sán Dìu. Đồng bào cư trú trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, văn hoá Hán mang đậm nét phụ hệ.
Có thể nói văn hóa Việt Nam là sự tổng hòa các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, trong đó có những tộc người bản địa sống trên lãnh thổ Việt Nam, có những dân tộc di cư từ nơi khác đến; có những dân tộc chỉ có số lượng vài trăm người, có những dân tộc có hàng triệu người, nhưng các dân tộc luôn coi nhau như anh em một nhà, thương yêu đùm bọc lẫn nhau chung sức xây dựng bảo vệ Tổ quốc
Đời Sống Và Sản Xuất
Cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam giỏi canh tác ngô, lúa nếp, lúa tẻ và các loại rau, đậu trên nương rẫy và ruộng bậc thang. Đồng thời phát triển các nghề thủ công như rèn, dệt vải, đan lát.
Đặc biệt phụ nữ vùng cao rất giỏi dệt vải, thêu thùa, làm ra những bộ trang phục độc đáo cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Chợ phiên là nơi thể hiện rõ bản sắc văn hóa vùng cao, phô diễn toàn bộ đời sống kinh tế từ văn hoá ẩm thực, văn hoá mặc, nghệ thuật thêu thùa, in hoa, biểu diễn âm nhạc, múa khèn... mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người.
Phụ nữ đồng bằng cũng nổi bật với công việc nội trợ, đồng áng, vườn tược, thêu, may vá. Phụ nữ đồng bằng quen thuộc với áo bà ba, nón lá những ngày hội lễ và dịp quan trọng thì tà áo dài thướt tha được xướng tên. Âm nhạc nổi bật nhất của phụ nữ đồng bằng là hát, hò, cải lương và âm nhạc miệt vườn.
Lưu ý: Nội dung bài viết Giới Thiệu Về 54 Dân Tộc Việt Nam thuộc bản quyền của Công Ty TNHH Du Lịch INTOUR. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại INTOUR. (Hình ảnh sưu tầm từ website. Xin cảm ơn các bạn đã cùng chia sẻ hình ảnh cần thiết).